Nhớ lại thời còn “ăn cơm nhà Chúa”, trong
một ngày cấm phòng, linh mục giảng phòng đã rất lớn
tiếng, hùng hổ hỏi mọi người trong nhà nguyện:
-Anh em hãy xuống hỏa ngục mà hỏi xem quỷ
thần và các linh hồn hư mất, lý do gì mà chúng phải giam
cầm trong đó? Câu trả lời là KHÔNG VÂNG LỜI.
Quay vào luyện tội, nhà giảng thuyết hỏi:
-Hãy vào luyện tội mà hỏi xem các linh
hồn đang bị giam trong đó, lý do gì mà giờ này chưa được
lên thiên đàng? Câu trả lời là THIẾU VÂNG LỜI.
Rồi hướng lên thiên đàng, ngài lại lớn
tiếng và giơ tay chỉ lên trời:
-Và bây giờ hãy lên thiên đàng mà hỏi xem
các thần thánh, lý do gì mà các ngài giờ này đang được
hưởng phúc thanh nhàn, vui vẻ đời đời? Câu trả lời dĩ
nhiên, là ĐÃ VÂNG LỜI.
Sau thánh lễ, trong lúc dùng điểm tâm có
mấy “linh hồn” vừa ở hỏa ngục chui lên, vừa trong luyện
ngục ra, và vừa trên thiên đàng xuống đến gần, vây quanh
vị giảng phòng hỏi:
-Ông làm sao mà vào hỏa ngục vậy? Ông ra
khỏi đó lúc nào? Ông ở trong luyện tội bao lâu? Và ông
từ thiên đàng xuống hồi nào? Ở đâu mà ông có những tin
tức sốt dẻo như vậy? Thế còn mấy đứa phạm tội lỗi đức
khiết tịnh hoặc đức khó nghèo ông có gặp bọn nó không?
Ông có thấy linh hồn nào trong luyện ngục chưa ra khỏi
đó vì những lỗi lầm khác không? Trên thiên đàng mấy
thánh đồng trinh, mấy thánh giữ đức khó nghèo có sáng
láng, đẹp đẽ hơn các thánh vâng lời không?
Bị tấn công hơi kỹ, nhà giảng phòng bực
quá bèn phán:
-Tao phải nói mạnh vậy cho chúng mày liệu
cái hồn mà đừng cứng đầu cứng cổ mỗi khi bề trên sai bảo
chuyện này, chuyện khác. Còn xuống hỏa ngục, vào luyện
tôi và lên thiên đàng tao đã trải qua đâu mà hỏi lắm
thế!
Đại khái là vậy, trong ba nhân đức của
đời tận hiến, có lẽ đức vâng lời là một nhân đức đòi hỏi
con người phải nỗ lực nhiều nhất. Tạo sao? Vì để thực
hiện được đức này, đòi phải bỏ đi cái “tôi” (ego) của
mỗi người. Mà cái tôi của người nào cũng chính là con
người đó. Nói một cách đơn giản là tôi chịu thua, chịu
lép vế, chịu kém, chịu yếu hơn ai đó để chấp nhận một
mệnh lệnh, một quyết định, một lệnh truyền; đặc biệt,
khi những điều ấy xem ra như vô lý, không đủ khả năng
thuyết phục, hoặc đi ngược lại với suy nghĩ và phán đoán
của tôi. Điều mà giới tu hành gọi là “trồng cải ngược”.
Trồng cải ngược
Trong đời sống tu trì ở vào những thập
niên trước, cách đây khoảng 50 năm, nhiều thỉnh sinh,
tập sinh, khấn sinh, và chủng sinh vẫn thường bị nhồi sọ
về đức vâng lời, đại khái, vâng lời trọn lành là vâng
lời tối mặt. Rồi thêu dệt những câu truyện, thí dụ, có
bề trên nọ bảo các bề dưới mình phải trồng cải ngược.
Những ai có đức vâng lời trọn lành thì cây họ trồng sẽ
sống, xanh tươi và phát triển. Ngược lại, cây của những
người không vâng lời sẽ bị chết, khô héo. Dĩ nhiên, đó
chỉ là những câu truyện ngụ ngôn mang hàm ý giáo dục,
chứ nếu áp dụng thực tế cách thử nhân đức kiểu này, thì
từ bề trên đến bề dưới không ai có đức vâng lời cả.
Vâng lời làm nên phép lạ
Vâng lời theo đúng nghĩa của nhân đức,
không chỉ là làm những gì mình phải làm. Làm một cách
máy móc và miễn cưỡng. Nhưng làm những việc mình nhận
làm một cách ý thức, có trách nhiệm và lòng mến. Việc
làm này đòi hỏi phải bỏ đi cái tôi của mình. Cũng chính
vì thế mà vâng lời được nâng lên hàng nhân đức, và có
khả năng làm nên phép lạ. Phép lạ rõ ràng nhất là phép
lạ ông Phêrô đã bỏ cái tôi “chuyên nghiệp” về nghề chài
lưới khi vâng theo lời Chúa truyền thả lưới bên mạn
thuyền để rồi có một mẻ cá lạ lùng (Gioan 21:6). Nhưng
để được những mẻ cá như của Phêrô, người vâng lời nhiều
khi cũng phải rướm máu con tim.
Con tim nhỏ máu
Gọi đức vâng lời là nhân đức làm rướm máu
con tim cũng không gì là quá, hay cũng không gì là cường
điệu. Thánh Luca diễn tả sức mạnh của đức vâng lời khiến
người tuân phục phải đổ máu. Đó là trường hợp của Chúa
Kitô trong vườn Giệtsimani đứng trước chén đắng Chúa Cha
trao. Để tiếp nhận chén này, Ngài đã trải qua một cơn
hấp hối, mồ hôi toát ra như máu nhỏ xuống đất (Luca 22:
43-44). Trong đời sống tu đức, các tu sỹ, các nhà tu
hành trong nhiều trường hợp khi phải chống trả với sức
ép của tâm lý, của tinh thần, con người họ cũng run lên
bần bật, hoặc ít nhất cũng toát mồ hôi.
Bởi vì trong những lần phải vâng lời ấy,
cái tôi của người dưới phải như dẹp bỏ, và hoàn toàn bị
chà đạp, nhất là trong những trường hợp mà người trên là
một loại người thích dùng quyền, ưa thể hiện sức mạnh
quyền lực. Ngược lại, người dưới là người có cá tính
mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang, nhiều khả năng, giầu
sáng kiến. Cái khó trong việc thuần phục một quyền bính
mà họ cho là không bằng mình, hoặc không tâm lý luôn
luôn xảy ra những giằng co mãnh liệt. Những trường hợp
như vậy, đòi hỏi phải có đức tin vững mạnh, lời cầu tha
thiết, và sự trưởng thành tâm linh. Nếu không, hành động
vâng phục cũng chỉ là “khẩu phục” mà “tâm không phục.”
Kết quả những trường hợp như vậy chỉ làm khổ cho cả bề
trên lẫn bề dưới.
Bộ xương khô
Trong đức vâng lời, Thánh Ignatiô, Đấng
sáng lập Dòng Tên đã nói: “Phải vâng lời như bộ xương
khô.”
Mới nghe qua, nhiều người có thể coi đây
là một loại tư tưởng cuồng tín, xa thực tế. Làm gì có bộ
xương khô nào biết vâng lời. Có bề trên nào đã ra nghĩa
trang rồi truyền lệnh cho một tu sỹ đã chết mà nắm xương
khô còn trong huyệt mộ ngồi dậy đi quét xong cái nhà rồi
tiếp tục vào nằm trong đó không? Lịch sử chưa thấy
chuyện này xảy ra bao giờ. Nhưng với cái nhìn tâm
linh, thì việc một bề dưới vâng phục bề trên nếu được
thực hiện một cách ý thức, trưởng thành với lòng yêu mến
Thiên Chúa, thì tu sỹ ấy phải hành động tương tự như bộ
xương khô vậy. Tư tưởng này có nguồn gốc từ trong Thánh
Kinh, vì Giavê Thiên Chúa đã coi “Vâng lời trọng hơn của
lễ” (1
Samuel 15:22).
Thánh Kinh đã kể lại, Thiên Chúa đã bỏ
Saul mà chọn Đavít. Không phải vì Saul đã không dâng
những lễ vật thượng tiến Ngài sau khi Ngài cho vua ấy
thắng trận, nhưng chỉ vì ông đã không vâng lời. Trong
đời tu trì hay tận hiến, đức vâng lời cũng là những gì
Thiên Chúa muốn, và khi một tu sỹ vâng lời Ngài qua
những người mà Ngài đặt thay thế Ngài làm bề trên họ.
Những người mà Ngài biết rõ những yếu đuối và mỏng dòn,
những tính mê, tật xấu và giới hạn của họ. Làm vậy, vì
Ngài muốn lợi ích cho cả hai. Cho người trên và cho kẻ
dưới.
Đối với những người làm bề trên, Ngài
muốn họ hiểu và sống với tư tưởng của Thánh Têrêxa Avila
rằng: “Các bề trên là những người hằng ngày vẫn được cho
uống thuốc độc.” Thánh nữ có ý nói, những lời nịnh hót,
những thái độ a dua, và xua nịnh là những độc dược mà họ
rất ưa thích và cũng được các bề dưới cho uống mỗi ngày.
Còn phía bề dưới thì lại ưa dùng cái tôi để lý luận, để
phản đối những mệnh lệnh mà nhẽ ra họ phải vâng phục.
Làm cách nào những tu sỹ có thể vâng lời
như bộ xương khô?
Mẻ cá lạ lùng bắt đầu với lời tự nhận của
Phêrô: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì.”
Bằng với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông đã trình bày với
Chúa về những gì mình đã có và đang có. Một đêm chài
lưới không thu hoạch được gì. Một dân chài lưới chuyên
nghiệp nhưng đã thất bại. Nhưng ông đã thưa với Ngài:
“Vâng lời Thầy tôi thả lưới.” Bộ xương khô thả lưới.
Phêrô thì kéo lưới đầy cá.
Ơn cứu độ đến từ sự vâng phục của Chúa
Giêsu trong vườn Cây Dầu: “Lạy Cha nếu có thể xin cất
chén này xa con.” Chén đắng quá kinh khủng đến nỗi chỉ
đối diện với nó mà Ngài đã toát mồ hôi hòa máu. Dù run
rẩy, dù kinh hãi Chúa Giêsu cũng đã thưa với Chúa Cha,
“nhưng đừng theo ý con.” (Luca 22:42) Bộ xương khô run
rẩy dưới sức ép của cuộc khổ nạn, của tử hình thập giá.
Nhưng Đấng Cứu Chuộc đã phục sinh vinh hiển và đem lại
ơn cứu độ cho muôn dân.
Theo tinh thần vâng phục trọn lành, người
tu hành không bắt buộc phải trồng cải ngược, hoặc vâng
lời “tối mặt”, nhưng là khiêm tốn trình bày những suy
nghĩ của mình về một quyết định của bề trên. Sau đó, nếu
bề trên vẫn muốn mình thi hành điều ấy, thì đó là ý
Chúa. Hãy đón nhận quyết định của bề trên như đón nhận ý
Chúa. Và khi đã nhận ra ý Chúa, thì hành động với tất cả
khả năng, sự hiểu biết, tin tưởng, và phó thác. Phép lạ
trước hết xảy ra trong tinh thần vâng lời này là người
dưới đã dẹp bỏ, đã chế ngự được cái tôi của mình vì
Chúa, vì lòng yêu mến Đấng đã vâng lời cho đến chết và
chết trên thập giá. |